Chi tiết

Quy định quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng

(Ban hành kèm theo Quyết định số 694/QĐ-ĐHSPHN, ngày 24 tháng 3 năm 2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)>

QUY ĐỊNH

Quản lí và tổ chức đào tạo qua mạng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số           /QĐ-ĐHSPHN, ngày       tháng 3 năm 2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này được áp dụng thống nhất đối với hoạt động quản lí, tổ chức đào tạo đại học, sau đại học tại các đơn vị của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (sau đây gọi là Trường) và các tập thể, cá nhân liên quan.

2. Quy định này được áp dụng cho giảng viên (bao gồm cả giảng viên thỉnh giảng) và sinh viên đại học hệ chính quy, vừa làm vừa học, học viên sau đại học (sau đây gọi chung là người học).

3. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, Trường thực hiện dạy học và kiểm tra, đánh giá qua mạng theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Trường.

Điều 2. Giải thích thuật ngữ

Trong Quy định này, những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đào tạo qua mạng: Là hình thức đào tạo có sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm và các thiết bị cá nhân như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối mạng internet (sau đây gọi là hạ tầng kĩ thuật đào tạo qua mạng) để quản lí và tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá trong chương trình đào tạo, bao gồm dạy học qua hệ thống quản lí học tập trực tuyến và dạy học qua phần mềm dạy học trực tuyến.

2. Hệ thống quản lí học tập trực tuyến (Learning Management System, sau đây gọi là hệ thống LMS): Là hệ thống phần mềm cho phép tổ chức và quản lí hoạt động học tập các học phần qua mạng internet; giúp Trường quản lí và theo dõi hoạt động đào tạo; giúp giảng viên thực hiện các hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng; giúp người học tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua các học liệu số; thực hiện các nhiệm vụ học tập qua mạng; theo dõi tiến trình học tập và kết nối, thảo luận, tiếp nhận thông tin phản hồi từ giảng viên và người học khác.

3. Phần mềm dạy học trực tuyến: Là các phần mềm có thể truyền, nhận tài liệu, hình ảnh, âm thanh, video theo thời gian thực nhờ kết nối mạng internet; đảm bảo giảng viên và người học đang sử dụng phần mềm có thể đọc, xem, nghe và trao đổi với nhau tại cùng một thời điểm.

4. Học liệu số: Là tập hợp các học liệu kĩ thuật số phục vụ dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng như các tài liệu đọc, hình ảnh, âm thanh, video; câu hỏi trắc nghiệm, nhiệm vụ học tập, phần mềm mô phỏng, thí nghiệm ảo, bài giảng điện tử...phù hợp với đề cương chi tiết của học phần trong chương trình đào tạo.

5. Dạy học kết hợp: Là việc kết hợp phương thức học tập qua mạng với phương thức dạy học trực tiếp ở giảng đường, phòng học, phòng thực hành, phòng thí nghiệm, cơ sở thực tập (giảng viên và người học có mặt ở cùng một địa điểm, tại cùng một thời điểm) nhằm nâng cao hiệu quả dạy học và chất lượng đào tạo.

Điều 3. Mục đích

1. Đảm bảo công tác quản lí và tổ chức đào tạo qua mạng của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đạt hiệu quả và chất lượng.

2. Mở rộng không gian và tăng cường cơ hội học tập linh hoạt mọi lúc, mọi nơi, phù hợp với nhịp độ học tập của từng người học; khuyến khích người học tự chủ, tự học, tự nghiên cứu và học tập suốt đời.

3. Khai thác các ưu điểm của công nghệ thông tin để đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao hiệu quả tổ chức đào tạo qua mạng nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của từng học phần và chương trình đào tạo; làm cơ sở để công nhận kết quả học tập qua mạng của người học và thích ứng linh hoạt với điều kiện dạy học cụ thể.

4. Đổi mới phương thức quản lí đào tạo dựa trên nền tảng công nghệ và dữ liệu số; thực hiện liên thông dữ liệu đào tạo giữa các ngành học, bậc học; công khai, minh bạch hóa quá trình tổ chức đào tạo, qua đó dần hình thành hệ sinh thái học tập trên nền tảng số.

Điều 4. Nguyên tắc

1. Đặt người học và giảng viên ở trung tâm của quá trình tổ chức đào tạo qua mạng; coi lợi ích mang lại cho người học và giảng viên là tiêu chí chủ yếu đánh giá mức độ thành công của công tác quản lí đào tạo qua mạng.

2. Đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và tổ chức đào tạo qua mạng. Bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kĩ thuật đào tạo qua mạng và đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng.

3. Tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về an toàn thông tin, an ninh mạng; dữ liệu, thông tin cá nhân và sở hữu trí tuệ.

4. Thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng, lưu trữ minh chứng và giải trình với các cơ quan quản lí có thẩm quyền của nhà nước và xã hội về chất lượng đào tạo qua mạng theo quy định, kế hoạch được phê duyệt và không thấp hơn chất lượng đào tạo trực tiếp.

5. Triển khai đào tạo qua mạng theo lộ trình, từng bước có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm của Trường, đảm bảo thiết thực và đạt hiệu quả trong từng giai đoạn, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tiễn. Thường xuyên giám sát chất lượng và định kì đánh giá, điều chỉnh để nâng cao hiệu quả đào tạo qua mạng.

Điều 5. Trách nhiệm quản lí

1. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm quản lí Nhà nước về công tác đào tạo qua mạng của Trường.

2. Trưởng các đơn vị quản lí đào tạo (Phòng Đào tạo, Phòng Sau đại học, Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng thường xuyên) và các đơn vị liên quan có nhiệm vụ giúp Hiệu trưởng thực hiện trách nhiệm quản lí Nhà nước về công tác đào tạo qua mạng theo đúng các quy định hiện hành.

3. Trưởng khoa đào tạo xác định các học phần chuyên ngành đào tạo qua mạng, triển khai cập nhật đề cương chi tiết và thông qua Hội đồng khoa học và đào tạo của khoa. Đăng kí với các đơn vị quản lí đào tạo trước mỗi học kì để tổng hợp, trình Hiệu trưởng phê duyệt. Tổ chức và quản lí công tác đào tạo các học phần chuyên ngành qua mạng theo Quy chế đào tạo và Quy định này.

4. Các đơn vị quản lí đào tạo tổ chức cho các nhóm giảng viên dạy môn chung xác định nội dung, phương thức dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng đối với học phần môn chung và lên kế hoạch trước mỗi học kì để tổng hợp, trình Hiệu trưởng phê duyệt. Trưởng nhóm giảng viên dạy môn chung triển khai cập nhật đề cương chi tiết và tổ chức công tác đào tạo học phần môn chung qua mạng theo Quy chế đào tạo và Quy định này.

5. Giảng viên, người học, cố vấn học tập, trợ giảng, cán bộ quản trị hệ thống và các cá nhân liên quan có trách nhiệm tham gia tích cực và hiệu quả hoạt động đào tạo qua mạng theo Quy chế đào tạo và Quy định này.

Chương 2

TỔ CHỨC ĐÀO TẠO QUA MẠNG

Điều 6. Hình thức, khối lượng dạy học qua mạng

Đối với mỗi chương trình đào tạo, Hiệu trưởng quyết định tổ chức dạy học qua mạng một số học phần theo một trong hai hình thức:

1. Dạy học một số học phần hoàn toàn qua mạng.

2. Dạy học một số học phần theo phương thức kết hợp giữa dạy học qua mạng và dạy học trực tiếp trên giảng đường.

Tổng khối lượng dạy học qua mạng theo cả hai hình thức trên không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo. Trường hợp đặc biệt do Hiệu trưởng quy định.

Điều 7. Học liệu số

1. Học liệu số được xây dựng theo đề cương chi tiết, bám sát chuẩn đầu ra, nội dung cốt lõi của học phần và đáp ứng yêu cầu của hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng.

2. Học liệu số được khoa đào tạo/đơn vị quản lí đào tạo thẩm định nhằm đảm bảo tính khoa học, sư phạm, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu, khả năng tự học của người học.

Quy định chi tiết về một số loại học liệu số xem ở Phụ lục.

Điều 8. Dạy học qua hệ thống LMS

1. Hệ thống LMS của Trường được truy cập tại hai địa chỉ: (1) cst.hnue.edu.vn (dành cho đào tạo đại học chính quy, sau đại học) và (2) cpd.hnue.edu.vn (dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên).

2. Khóa học trên hệ thống LMS được cấu trúc thành các chương/chủ đề theo tiến trình đào tạo. Tên khóa học là tên học phần tương ứng.

3. Việc xây dựng khóa học và tổ chức dạy học qua hệ thống LMS cần dựa trên đề cương chi tiết học phần được phê duyệt, đảm bảo đúng thời lượng trực tuyến và giúp người học đạt được chuẩn đầu ra của học phần.

4. Học liệu số được tải lên hệ thống LMS theo các chương/chủ đề của khóa học tương ứng với kịch bản sư phạm hợp lí.

5. Các giảng viên giảng dạy cùng một học phần thì cùng chuẩn bị và tổ chức đào tạo một khóa học chung tương ứng trên hệ thống LMS.

Người học các lớp tín chỉ của cùng một học phần cũng học một khóa học chung tương ứng trên hệ thống LMS. Giảng viên có thể giao nhiệm vụ học tập và tạo diễn đàn thảo luận riêng cho mỗi lớp tín chỉ trong khóa học này trên hệ thống LMS.

6. Người học được hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ học tập, được giám sát, đánh giá và nhận xét, phản hồi về quá trình học tập trên hệ thống LMS và được trao đổi, thảo luận với giảng viên, người học khác qua công cụ chat, diễn đàn trên hệ thống.

Quy định chi tiết về tổ chức, quản lí khóa học trên hệ thống LMS xem ở Phụ lục.

Điều 9. Dạy học qua phần mềm dạy học trực tuyến

1. Bên cạnh việc dạy học qua hệ thống LMS, giảng viên có thể tổ chức các buổi dạy, thảo luận với người học qua phần mềm dạy học trực tuyến như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams, Free Conference Call và các phần mềm khác có chức năng tương đương.

2. Giảng viên cung cấp thông tin và thời gian đăng nhập phần mềm dạy học trực tuyến cho người học và cán bộ quản lí đào tạo (trưởng khoa, trưởng nhóm giảng viên dạy môn chung) khi có kế hoạch tổ chức các buổi dạy trực tuyến.

3. Việc xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học qua phần mềm dạy học trực tuyến cần dựa trên đề cương chi tiết học phần được phê duyệt, đảm bảo đúng thời lượng trực tuyến và giúp người học đạt được chuẩn đầu ra của học phần.

4. Khi dạy học qua phần mềm dạy học trực tuyến, giảng viên theo dõi chuyên cần, ý thức học tập; tổ chức hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá theo kịch bản sư phạm hợp lí, phù hợp với điều kiện dạy học trực tuyến.

Giảng viên sử dụng ảnh chân dung, họ tên đầy đủ khi tạo tài khoản và đăng nhập phần mềm. Luôn bật camera trong suốt buổi dạy trực tuyến.

Người học sử dụng ảnh chân dung, tên đăng nhập theo cú pháp quy định bởi giảng viên; đăng nhập ít nhất 5 phút trước giờ học, tắt micro. Bật micro, bật camera hoặc chia sẻ màn hình để trình bày, thảo luận khi được giảng viên yêu cầu.

5. Ghi và lưu trữ video các buổi dạy trực tuyến để làm minh chứng, phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học trực tuyến.

Điều 10. Kết hợp giữa dạy học qua mạng và dạy học trực tiếp

1. Đề cương chi tiết học phần mô tả rõ phương thức kết hợp giữa dạy học qua hệ thống LMS, dạy học qua phần mềm dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp trên giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành…Quy định rõ tỉ lệ, thời lượng học phần được thực hiện trực tiếp và thực hiện qua mạng, theo nguyên tắc thời lượng dạy qua mạng không vượt quá 30% khối lượng của học phần.

2. Việc xây dựng khóa học và tổ chức dạy học qua hệ thống LMS để kết hợp với dạy học trực tiếp cần dựa trên đề cương chi tiết học phần được phê duyệt, đảm bảo đúng thời lượng trực tuyến và hỗ trợ hiệu quả hoạt động dạy học trực tiếp.

3. Việc xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học qua phần mềm dạy học trực tuyến để kết hợp với dạy học trực tiếp cần dựa trên đề cương chi tiết học phần được phê duyệt, đảm bảo đúng thời lượng trực tuyến và hỗ trợ hiệu quả hoạt động dạy học trực tiếp.

4. Việc dạy học trực tiếp khi kết hợp với dạy học qua mạng cần đặt trong kịch bản sư phạm thống nhất; hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo kế thừa, tiếp nối hoạt động học tập qua mạng. Thời gian ở giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành…chủ yếu để tổ chức các hoạt động học tích cực, hợp tác, thực hành, trải nghiệm; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, giải quyết vấn đề thực tiễn mà giảng viên đặt ra.

Điều 11. Kiểm tra, đánh giá học phần qua mạng

1. Hình thức kiểm tra, đánh giá học phần qua mạng được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp.

2. Kết quả học tập qua mạng được ghi nhận, đánh giá, lưu trữ và sử dụng kết hợp với kết quả đánh giá trực tiếp trên giảng đường để đánh giá điểm chuyên cần và điểm kiểm tra bộ phận của học phần.

3. Điểm kiểm tra, đánh giá qua mạng đóng góp không quá 50% trọng số điểm của học phần và được trình bày rõ trong đề cương chi tiết học phần.  

4. Tổ chức thi kết thúc học phần bằng hình thức trực tiếp. Chỉ tổ chức thi kết thúc học phần qua mạng trong điều kiện đặc biệt khi được Hiệu trưởng phê duyệt.

Điều 12. Bảo vệ và đánh giá khóa luận, luận văn, luận án trực tuyến

Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến đối với khóa luận sinh viên, luận văn thạc sĩ, bài luận tổng quan/chuyên đề/luận án tiến sĩ được áp dụng khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được Hiệu trưởng phê duyệt trong điều kiện đặc biệt, không thể thực hiện bảo vệ, đánh giá trực tiếp;

2. Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học;

3. Diễn biến buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm và lưu trữ đầy đủ.

Quy định chi tiết về bảo vệ, đánh giá khóa luận, luận văn, bài luận tổng quan/chuyên đề/luận án trực tuyến xem ở Phụ lục.

Điều 13. Quản lí và lưu trữ kết quả đào tạo qua mạng

1. Các đơn vị tổ chức đào tạo và các khoa đào tạo chịu trách nhiệm tổ chức thu thập và lưu trữ minh chứng về bài kiểm tra học phần, các buổi bảo vệ khóa luận sinh viên, luận văn thạc sĩ, bài luận tổng quan/chuyên đề/luận án tiến sĩ theo phương thức trực tuyến.

2. Dữ liệu thu thập được về kết quả đào tạo qua mạng phải được lưu trữ tập trung trên các thiết bị lưu trữ của Trường trong thời gian theo quy định tại Luật lưu trữ.

Điều 14. Những hành vi bị cấm khi dạy học qua mạng

1. Đưa nội dung dạy học qua mạng trái với quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2. Sử dụng học liệu số có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc; vi phạm bản quyền đối với sách, giáo trình, hình ảnh, video. Không trích dẫn tài liệu tham khảo hoặc trích dẫn sai quy cách.

3. Lợi dụng việc tham gia học qua mạng để cung cấp thông tin không lành mạnh nhằm mục đích tuyên truyền chống lại Nhà nước; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực và các tệ nạn xã hội; xâm phạm đến đời tư của người khác, gây nhiễu dư luận.

4. Tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền hợp pháp của tổ chức, cá nhân; tạo, cài đặt, phát tán phần mềm độc hại, vi-rút máy tính; xâm nhập trái phép, chiếm quyền điều khiển hệ thống thông tin, tạo lập công cụ tấn công trên mạng.

Chương 3

HẠ TẦNG KĨ THUẬT ĐÀO TẠO QUA MẠNG

Điều 15. Hệ thống quản lí học tập trực tuyến

Hệ thống quản lí học tập trực tuyến (LMS) phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Có khả năng tạo và quản lí được số lượng lớn tài khoản người dùng trên hệ thống; có giao diện thân thiện, dễ sử dụng; có tích hợp các phần mềm dạy học trực tuyến như là một công cụ giúp giảng viên có thể tạo lớp học trực tuyến theo thời gian thực trên hệ thống.

2. Giúp giảng viên tổ chức lưu trữ, chuyển tải học liệu số tới người học; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; theo dõi và hỗ trợ người học khai thác nội dung học tập từ học liệu số; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của người học.

3. Cho phép người học dễ dàng truy cập, khai thác nội dung học tập từ học liệu số; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giảng viên; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với giảng viên và những người học khác trong cùng không gian học tập.

4. Cho phép Trường quản lí hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của người học và các hoạt động dạy của giảng viên; hỗ trợ quản lí các thông tin khác theo yêu cầu của Trường.

5. Cho phép trích xuất các báo cáo về quá trình và kết quả học tập của người học, tổng hợp và vẽ được các biểu đồ biểu diễn trực quan kết quả học tập làm căn cứ đánh giá và cải tiến nội dung và phương pháp dạy học.

Điều 16. Phần mềm dạy học trực tuyến

Phần mềm dạy học trực tuyến phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Giúp giảng viên giảng bài, chia sẻ học liệu số; hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập và tổ chức thảo luận cho tất cả người học tại cùng thời điểm, trong cùng một không gian phòng học ảo.

2. Giúp người học tương tác, trao đổi thông tin theo thời gian thực với giảng viên và những người học khác trong cùng một không gian học tập ảo.

3. Giúp lưu trữ dữ liệu đào tạo qua mạng an toàn và thuận lợi cho các đơn vị quản lí đào tạo, các khoa đào tạo truy cập, giám sát và đánh giá hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng.

Điều 17. Hạ tầng công nghệ thông tin

Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quản lí và tổ chức đào tạo qua mạng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Bảo đảm yêu cầu về đường truyền internet, máy tính, thiết bị có chức năng, cấu hình phù hợp để cài đặt hệ thống phần mềm phục vụ hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá qua mạng. Hạn chế tối đa hiện tượng nghẽn mạng hay quá tải.

2. Cung cấp đủ không gian lưu trữ cho dữ liệu học tập; có giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; bảo mật cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, học liệu số của giảng viên, kết quả kiểm tra đánh giá người học. Có cơ chế sao lưu dữ liệu thường xuyên, liên tục đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu.

Chương 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Các phòng, ban chức năng, trung tâm Công nghệ thông tin và khoa Công nghệ thông tin

1. Các đơn vị quản lí đào tạo:

a) Triển khai tổ chức đào tạo qua mạng, bảo đảm chất lượng và hiệu quả trong toàn trường.

b) Tổng hợp đăng kí từ các khoa đào tạo, nhóm giảng viên dạy môn chung; rà soát khối lượng dạy học qua mạng đối với mỗi chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu tại Điều 6 của Quy định này và trình Ban Giám hiệu phê duyệt các học phần được tổ chức đào tạo qua mạng trong mỗi học kì hoặc đợt học.

c) Lập kế hoạch đào tạo qua mạng cùng với kế hoạch đào tạo trực tiếp trước mỗi học kì hoặc đợt học. Thiết lập khóa học, gán tài khoản giảng viên và người học vào khóa học trên hệ thống LMS tương ứng với các học phần được tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng.  

d) Xây dựng các văn bản hướng dẫn, thông báo kế hoạch tổ chức đào tạo qua mạng trước mỗi học kì; phối hợp với các khoa đào tạo (Ban chủ nhiệm khoa, trợ lí đào tạo, cố vấn học tập, cán bộ giáo vụ và giảng viên) hoặc các cơ sở phối hợp đặt lớp đào tạo trong việc triển khai đào tạo qua mạng, hỗ trợ người học và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

e) Phối hợp với Thanh tra Giáo dục kiểm tra nề nếp dạy học qua mạng theo kế hoạch, thời khóa biểu. Thu thập các báo cáo định kì về hiệu quả dạy học qua mạng để tổng hợp báo cáo Ban Giám hiệu.

2. Trung tâm Công nghệ thông tin:

a) Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định này.

b) Quản lí, vận hành, bảo trì phần cứng, giám sát hạ tầng mạng, băng thông truyền tải và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và điều kiện kĩ thuật đáp ứng nhu cầu truy cập của người dùng.

c) Chuẩn bị tài khoản phần mềm dạy học trực tuyến và hướng dẫn, hỗ trợ kĩ thuật cho giảng viên, người học trong quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá qua phần mềm dạy học trực tuyến.

d) Chuẩn bị cơ sở vật chất, máy quay, phòng ghi hình bài giảng và cán bộ kĩ thuật hỗ trợ ghi hình khi giảng viên có nhu cầu.

3. Khoa Công nghệ thông tin xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống LMS và hỗ trợ kĩ thuật cho giảng viên, người học trong quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá qua hệ thống LMS.

4. Phòng Tổ chức Cán bộ tổ chức bồi dưỡng cho giảng viên các phương pháp, kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng;

Xây dựng tiêu chí đánh giá và chế độ khuyến khích, khen thưởng, kỉ luật đối với giảng viên trong hoạt động đào tạo qua mạng.  

5. Trung tâm Đảm bảo chất lượng khảo sát, lấy thông tin phản hồi từ giảng viên, người học và các bên liên quan về công tác đào tạo qua mạng để làm căn cứ điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo.

6. Phòng Công tác chính trị - Học sinh sinh viên tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sử dụng internet an toàn, trách nhiệm và phòng tránh các tác động tiêu cực từ internet trong quá trình học tập qua mạng. Kịp thời phát hiện các trường hợp lợi dụng đào tạo qua mạng để thực hiện hành vi bị cấm theo Điều 14 của Quy định này.

7. Trung tâm thông tin và thư viện tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thư viện điện tử và cổng thư viện số kết nối với hệ thống LMS để hỗ trợ quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng.

Điều 19. Khoa đào tạo

1. Căn cứ chuẩn đầu ra, khung chương trình và các nội dung đào tạo cụ thể, hội đồng khoa học và đào tạo khoa xác định các học phần chuyên ngành được đào tạo một phần hoặc toàn bộ qua mạng.

2. Ban chủ nhiệm khoa tổ chức các bộ môn, nhóm giảng viên điều chỉnh, cập nhật đề cương chi tiết đối với các học phần chuyên ngành này cho phù hợp với hình thức đào tạo qua mạng, điều kiện thực tế và trình Hội đồng khoa học và đào tạo khoa thông qua.

3. Các bộ môn, nhóm giảng viên của khoa xây dựng các học liệu số đáp ứng yêu cầu tại Điều 7 của Quy định này.

Hội đồng khoa học và đào tạo của khoa thẩm định các học liệu số được sử dụng trong tổ chức đào tạo qua mạng đối với các học phần chuyên ngành theo kế hoạch đã phê duyệt.

4. Trước khi xây dựng thời khóa biểu mỗi học kì, ban chủ nhiệm khoa gửi các đơn vị quản lí đào tạo bản đăng kí các học phần chuyên ngành được đào tạo qua mạng và đề cương chi tiết tương ứng để tổng hợp, trình Ban Giám hiệu phê duyệt (phụ lục kèm theo).

5. Ban chủ nhiệm khoa và các trưởng bộ môn theo dõi, giám sát quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá qua hệ thống LMS và qua phần mềm dạy học trực tuyến theo yêu cầu tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Quy định này. Kịp thời xử lí những vướng mắc trong quá trình triển khai đào tạo qua mạng.

6. Cuối mỗi học kì, ban chủ nhiệm khoa tổ chức tổng kết, đánh giá và viết báo cáo đánh giá hiệu quả tổ chức đào tạo qua mạng. Tổ chức điều chỉnh, cập nhật đề cương chi tiết các học phần được đào tạo qua mạng và học liệu tương ứng (nếu cần).

Gửi báo cáo đánh giá tới các đơn vị quản lí đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ban Giám hiệu.

Điều 20. Nhóm giảng viên dạy môn chung

1. Căn cứ chuẩn đầu ra của học phần môn chung, nhóm giảng viên dạy môn chung xác định các nội dung học phần có thể thực hiện đào tạo qua mạng; điều chỉnh, cập nhật đề cương chi tiết cho phù hợp với hình thức đào tạo qua mạng và điều kiện thực tế. Đồng thời, xây dựng các học liệu số được sử dụng trong tổ chức đào tạo qua mạng, đáp ứng yêu cầu tại Điều 7 của Quy định này.

Hiệu trưởng thành lập hội đồng thẩm định đề cương chi tiết được cập nhật và các học liệu số tương ứng.

2. Trước khi xây dựng thời khóa biểu mỗi học kì, trưởng nhóm giảng viên dạy môn chung gửi các đơn vị quản lí đào tạo bản đăng kí các học phần môn chung được đào tạo qua mạng và đề cương chi tiết tương ứng để tổng hợp, trình Ban Giám hiệu phê duyệt (phụ lục kèm theo).

3. Trưởng nhóm giảng viên dạy môn chung hướng dẫn, theo dõi, giám sát quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá qua hệ thống LMS và qua phần mềm dạy học trực tuyến theo yêu cầu tại Điều 8, Điều 9 và Điều 10 của Quy định này. Kịp thời xử lí những vướng mắc trong quá trình triển khai đào tạo qua mạng.

4. Cuối mỗi học kì, trưởng nhóm giảng viên dạy môn chung tổ chức tổng kết, đánh giá và viết báo cáo đánh giá hiệu quả tổ chức đào tạo qua mạng. Tổ chức điều chỉnh, cập nhật đề cương chi tiết các học phần được đào tạo qua mạng và học liệu tương ứng (nếu cần).

Gửi báo cáo đánh giá tới các đơn vị quản lí đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ban Giám hiệu.

Điều 21. Giảng viên

1. Căn cứ đề cương chi tiết học phần, kế hoạch đào tạo và thời khóa biểu, lập kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá học phần qua mạng theo tiến trình đào tạo.

2. Tham gia xây dựng, cập nhật học liệu số đáp ứng yêu cầu tại Điều 7 của Quy định này.

3. Tổ chức dạy học qua hệ thống LMS theo kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tại Điều 8 của Quy định này.

4. Tổ chức dạy học qua phần mềm dạy học trực tuyến theo kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tại Điều 9 của Quy định này.

5. Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với hướng dẫn học tập qua hệ thống LMS, đáp ứng yêu cầu tại Điều 10 của Quy định này.

6. Chú trọng đánh giá thường xuyên thông qua kiểm tra chuyên cần, mức độ tham gia, hoàn thành nhiệm vụ học tập qua mạng của người học.

Lưu trữ và sử dụng minh chứng quá trình học tập qua mạng để đánh giá điểm chuyên cần và điểm kiểm tra bộ phận của người học theo đề cương chi tiết của học phần, đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 11 của Quy định này.

7. Tự bồi dưỡng và tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng về phương pháp, kĩ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá qua mạng.

Điều 22. Cố vấn học tập, trợ giảng, quản trị khóa học trên hệ thống LMS

1. Cố vấn học tập là giảng viên có hiểu biết và kinh nghiệm trong các hoạt động đào tạo qua mạng; hướng dẫn người học phương pháp học tập qua mạng hiệu quả; theo dõi quá trình học tập của người học, đưa ra các chỉ dẫn cụ thể và hỗ trợ kịp thời đối với người học; phát hiện, ngăn chặn và xử lí các hành vi sai lệch của người học trong quá trình học tập qua mạng.

2. Trợ giảng hỗ trợ giảng viên phụ trách môn học thực hiện các nhiệm vụ đào tạo trong quá trình dạy học qua mạng. Cung cấp các thông tin về khóa học, giải đáp thắc mắc, nhắc nhở người học các thời hạn hoàn thành nhiệm vụ học tập và kiểm soát các thông tin người học đưa lên hệ thống LMS và chia sẻ trong các buổi học qua phần mềm dạy học trực tuyến.

3. Cán bộ quản trị khóa học trên hệ thống LMS có nhiệm vụ xây dựng quy trình lưu trữ, bảo mật cơ sở dữ liệu, nội dung bài giảng của giảng viên và kết quả kiểm tra đánh giá của người học. Tạo và cấp phát/thu hồi tài khoản người dùng trên hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên/người học trong quá trình giảng dạy, học tập. Hỗ trợ tạo lập khóa học, phân quyền cho giảng viên, trợ giảng, người học. Thực hiện trích xuất dữ liệu báo cáo về tình hình dạy học trực tuyến theo yêu cầu của các đơn vị liên quan.

Điều 23. Người học

1. Nhận thức rõ việc học tập qua mạng là hoạt động học tập chính thức và được giám sát, đánh giá theo Quy chế đào tạo và Quy định này. 

2. Tham gia đầy đủ, tích cực các buổi học qua phần mềm dạy học trực tuyến và thực hiện đúng hạn, có chất lượng các nhiệm vụ học tập trên hệ thống LMS theo yêu cầu, hướng dẫn của giảng viên.

3. Chủ động trao đổi với giảng viên, trợ giảng, cố vấn học tập về phương pháp học tập qua mạng và chia sẻ các khó khăn (nếu có) trong quá trình học qua mạng để được hỗ trợ kịp thời.

4. Không gian lận khi làm bài kiểm tra, không sao chép bài làm của người học khác và không làm bài hộ người học khác khi thực hiện các nhiệm vụ học tập, kiểm tra đánh giá qua mạng. Lưu giữ minh chứng, kết quả học tập qua mạng.

5. Tự bảo vệ tài khoản học tập qua mạng của mình, phải tự chịu trách nhiệm về các thông tin đưa lên hệ thống và phải chịu trách nhiệm về việc để người khác sử dụng tài khoản của mình sai mục đích, không đúng với quy định.

Chương 5

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Điều khoản thi hành

1. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2022.

2. Các đơn vị thuộc Trường có trách nhiệm phổ biến Quy định này đến viên chức, người lao động, giảng viên và người học để thực hiện đầy đủ và nghiêm túc.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc cần điều chỉnh, bổ sung, các đơn vị, cá nhân phản ánh về các đơn vị quản lí đào tạo để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Hiệu trưởng xem xét, quyết định./.

Các thông báo khác
Khảo sát thanh toán học phí (11/19/2019 16:26:03)
TKB HK2 năm học 2018-2019 (12/21/2018 16:09:42)