Chi tiết

Quy chế đào tạo ĐH chính quy theo hệ thống tín chỉ

Ban hành theo QD 3980 /QĐ-ĐHSPHN ngày 21/9/2021>

QUY CHẾ

Đào tạo trình độ đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

(Ban hành kèm theo Quyết định số    3980/QĐ-ĐHSPHN

ngày  21 tháng  9 năm 2021 của Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định về tổ chức và quản lí đào tạo trình độ đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, bao gồm: Chương trình đào tạo và thời gian học tập; hình thức và phương thức tổ chức đào tạo; lập kế hoạch và tổ chức giảng dạy; đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp; những quy định khác đối với sinh viên.

2. Quy chế này áp dụng đối với sinh viên các khoá đào tạo hệ chính quy ở trình độ đại học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (sau đây gọi tắt là Trường) thực hiện theo hình thức tích luỹ tín chỉ.

Điều 2. Chương trình đào tạo

1. Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ, cấu trúc từ các môn học hoặc học phần (sau đây gọi chung là học phần), trong đó phải có đủ các học phần bắt buộc và đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình đào tạo gồm mục tiêu, chuẩn đầu ra, khối lượng học tập, cấu trúc nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa, đề cương chi tiết các học phần và điều kiện thực hiện chương trình.

Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của sinh viên sau khi hoàn thành một chương trình đào tạo, gồm cả yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kĩ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm của người học khi tốt nghiệp, phù hợp với mục tiêu đào tạo và Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Mỗi chương trình gắn với một ngành (đơn ngành) hoặc với một vài ngành (song ngành, ngành chính - ngành phụ). Trong trường hợp đào tạo song ngành hoặc ngành chính – ngành phụ, chương trình đào tạo quy định rõ khối lượng học tập chung và riêng theo từng ngành.

Chương trình đào tạo được công khai đối với người học trước khi tuyển sinh và khi bắt đầu khóa học; những thay đổi, điều chỉnh liên quan đến chương trình đào tạo được thực hiện theo quy định hiện hành và công bố trước khi áp dụng, không gây tác động bất lợi cho sinh viên.

 

2. Khối lượng học tập của mỗi chương trình đào tạo từ 120 đến 155 tín chỉ (được quy định cụ thể trong từng chương trình), không kể khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh.

3. Kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá để định hướng cho sinh viên, đồng thời đảm bảo đa số sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo.

a) Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa của mỗi chương trình đào tạo của Trường là 04 năm.

b) Thời gian tối đa để sinh viên hoàn thành khoá học bao gồm: thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá cộng với 02 năm.

Điều 3. Phương thức tổ chức đào tạo

1. Phương thức tổ chức đào tạo trình độ đại học hệ chính quy là tích lũy tín chỉ và được tổ chức theo từng lớp học phần.

Căn cứ chương trình đào tạo và kế hoạch giảng dạy của Trường, sinh viên tự chủ xác định kế hoạch học tập của cá nhân với sự hướng dẫn của cố vấn học tập.

2. Học phần là một tập hợp hoạt động giảng dạy và học tập được thiết kế nhằm thực hiện một số mục tiêu học tập cụ thể, trang bị cho người học những học vấn tương đối trọn vẹn thuộc một phạm vi chuyên môn hẹp trong chương trình đào tạo.

a) Một học phần được tổ chức giảng dạy, học tập trong một học kì và được kí hiệu bằng một mã số riêng do Trường quy định.

b) Có hai loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn.

- Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung chính yếu của mỗi chương trình và bắt buộc sinh viên phải tích lũy.

- Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung cần thiết, nhưng sinh viên được lựa chọn theo hướng dẫn của Trường nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tuỳ ý để tích luỹ đủ số tín chỉ quy định cho mỗi chương trình.

c) Đề cương chi tiết của từng học phần phải thể hiện rõ số lượng tín chỉ, điều kiện tiên quyết (nếu có), mục tiêu, chuẩn đầu ra, nội dung lí thuyết/bài tập/thực hành/thí nghiệm/thảo luận, phương thức đánh giá học phần, giáo trình/tài liệu tham khảo và điều kiện cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ thông tin, thiết bị thực hành/thí nghiệm phục vụ học phần.

3. Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên.

a) Một tín chỉ được quy định bằng 15 giờ chuẩn.

b) Đối với hoạt động dạy học trên lớp, 01 tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng lí thuyết hoặc 30 giờ bài tập, thực hành, thí nghiệm, thảo luận, trong đó 01 giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.

c) Để tiếp thu 01 tín chỉ sinh viên cần 30 giờ tự học, tự nghiên cứu.

d) Tỉ lệ số giờ lí thuyết, bài tập, thực hành, thí nghiệm và thảo luận được quy định trong đề cương chi tiết của học phần.

4. Sinh viên không đạt một học phần theo quy định tại khoản 1 Điều 18 của Quy chế này phải đăng kí học lại.

a) Sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy.

b) Sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.

Điều 4. Hình thức đào tạo

1. Các hoạt động giảng dạy được thực hiện tại các trụ sở của Trường (trụ sở chính và phân hiệu), riêng những hoạt động thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tế và giảng dạy trực tuyến có thể thực hiện ngoài Trường.

2. Thời gian tổ chức hoạt động giảng dạy trong khoảng từ 06 giờ đến 20 giờ các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 7.

Thời gian tổ chức những hoạt động đặc thù của chương trình đào tạo được thực hiện theo quyết định của Hiệu trưởng.

3. Tuỳ theo số lượng sinh viên, số lớp học cần tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất của Trường, phòng Đào tạo sắp xếp thời khóa biểu hàng ngày cho các lớp học phần trong khoảng thời gian trên.

 

Chương II

LẬP KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC ĐÀO TẠO

Điều 5. Kế hoạch giảng dạy và học tập

1. Trường tổ chức đào tạo theo khoá học, năm học, học kì.

a) Khoá học là thời gian thiết kế để sinh viên hoàn thành một chương trình đào tạo đại học cụ thể.

b) Kế hoạch đào tạo năm học thể hiện những mốc thời gian chính của các hoạt động đào tạo trong năm học, bao gồm kế hoạch từng học kì cho tất cả các chương trình đào tạo, được công bố trước khi bắt đầu năm học.

c) Kế hoạch học kì bao gồm kế hoạch mở lớp, hình thức dạy và học (trực tiếp hoặc trực tuyến), lịch học, lịch thi của các học phần được tổ chức trong học kì cho các khoá học, chương trình đào tạo. Kế hoạch học kì phải được công bố kịp thời, bảo đảm thuận tiện cho sinh viên xây dựng kế hoạch học tập và đăng kí học tập.

2. Một năm học có 03 học kì.

a) Học kì 1, học kì 2: mỗi kì có từ 12 tuần đến 15 tuần thực học và 3 tuần thi.

b) Học kì 3 có ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi.

c) Một năm học có tối thiểu 30 tuần thực học.

3. Thời khoá biểu thể hiện thời gian, địa điểm, hoạt động dạy và học của từng lớp học phần thuộc từng khoá học, chương trình đào tạo.

a) Thông thường, thời khóa biểu của các lớp học phần được bố trí đều trong các tuần của học kì.

b) Ở trường hợp cần thiết phải xếp lịch học tập trung thời gian, số giờ giảng đối với một học phần bất kì không vượt quá 15 giờ/tuần và 4 giờ/ngày.

Điều 6. Đăng kí nhập học

1. Trường thực hiện tuyển sinh theo Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy hiện hành, đảm bảo chuẩn đầu vào (hay yêu cầu đầu vào) của chương trình đào tạo.

Trường xác định điểm trúng tuyển theo ngành đào tạo trong kì tuyển sinh. Những thí sinh trúng tuyển được Trường sắp xếp vào học theo ngành đào tạo đã đăng kí.

2. Sinh viên phải nộp đầy đủ hồ sơ nhập học theo quy định.

Các khoa đào tạo tiếp nhận và quản lí hồ sơ nhập học của từng sinh viên.

Thời hạn hoàn thành thủ tục nhập học được quy định tại Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy hiện hành.

3. Sau khi xem xét thấy đủ điều kiện nhập học, căn cứ danh sách trúng tuyển, phòng Đào tạo cung cấp thẻ sinh viên; thông tin về quy chế đào tạo, quy định về công tác cố vấn học tập và nghĩa vụ, quyền lợi sinh viên; hướng dẫn sinh viên sử dụng hệ thống đăng kí học tập.

Điều 7. Tổ chức lớp học

1. Khi nhập học sinh viên sẽ được xếp vào lớp sinh hoạt và sau đó là lớp học phần.

a) Lớp sinh hoạt được tổ chức theo khóa tuyển sinh của ngành đào tạo.

Lớp sinh hoạt duy trì trong cả khóa học, có mã số riêng, có hệ thống cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Hội sinh viên và cố vấn học tập.

b) Lớp học phần được tổ chức theo từng học phần ở từng học kì.

Mỗi lớp học phần có mã số riêng và thời khóa biểu quy định cụ thể về thời gian, giảng đường, giảng viên phụ trách. Lớp học phần tự giải thể khi kết thúc học phần.

2. Trường có thể tổ chức kiểm tra một số môn học để phân loại trình độ, xếp lớp học cho sinh viên.

Điều 8. Tổ chức đăng kí học tập

1. Căn cứ danh sách học phần được mở và điều kiện đăng kí của mỗi học phần, sinh viên phải đăng kí lớp của các học phần dự định sẽ học trong học kì, gồm những học phần mới, một số học phần chưa đạt (để học lại) hoặc một số học phần đã đạt (để cải thiện điểm).

2. Trước khi bắt đầu mỗi học kì, phòng Đào tạo phối hợp với các khoa đào tạo xây dựng thời khóa biểu các học phần chung, học phần chuyên ngành và hướng dẫn sinh viên đăng kí.

a) Trong học kì đầu khi mới nhập học, sinh viên học theo thời khóa biểu do Trường sắp xếp cho từng lớp.

b) Trong các học kì tiếp theo, sinh viên tự chủ đăng kí các học phần theo nguyện vọng, điều kiện cá nhân với sự hướng dẫn của cố vấn học tập.

3. Điều kiện tiên quyết của học phần là những học phần mà sinh viên phải tham gia học trước đó và được đánh giá đủ điều kiện dự thi kết thúc học phần.

Việc đăng kí các học phần trong từng học kì phải bảo đảm điều kiện tiên quyết của từng học phần và trình tự học tập quy định tại mỗi chương trình đào tạo cụ thể.

4. Việc đăng kí các học phần được thực hiện trực tuyến trên hệ thống đăng kí học tập của Trường.

a) Việc đăng kí học được thực hiện từ 2 tuần trước khi học kì bắt đầu. Thời điểm bắt đầu đăng kí được Trường công bố trên trang thông tin đào tạo.

b) Trong 2 tuần đầu tiên của học kì 1 và học kì 2 hoặc trong tuần đầu của học kì 3 sinh viên được đăng kí thêm học phần nhưng không được rút bớt học phần đã đăng kí.

c) Sau 2 tuần kể từ khi học kì 1, học kì 2 bắt đầu, nếu sinh viên không đăng kí học thì coi như sinh viên đã tự ý bỏ học.

Nếu sinh viên đăng kí không đủ số lượng tín chỉ tối thiểu quy định ở khoản 5 Điều này thì sinh viên sẽ không được tham gia học trong học kì đó và phải làm đơn để Trường xét cho nghỉ học tạm thời.

Trường hợp sinh viên làm đơn mà không được Trường chấp nhận (do không có lí do chính đáng) hoặc không làm đơn xin nghỉ học tạm thời thì coi như tự ý bỏ học.

d) Trường hợp số lượng sinh viên đăng kí thấp hơn số lượng tối thiểu do Trường quy định thì lớp học phần sẽ bị hủy. Sinh viên phải đăng kí học lớp khác (có thể cùng hoặc khác học phần với lớp bị hủy) nếu chưa đảm bảo đủ khối lượng học tập tối thiểu cho mỗi học kì quy định tại khoản 5 Điều này.

e) Sinh viên đăng kí đi thực tập sư phạm trong học kì nào sẽ không được đăng kí học các học phần khác trong học kì đó.

5. Đối với học kì 1 và học kì 2 của chương trình đào tạo thứ nhất, trừ học kì cuối khóa học và học kì sinh viên đăng kí đi thực tập sư phạm

a) Sinh viên xếp hạng học lực bình thường (quy định tại khoản 1 Điều 20 của Quy chế này) đăng kí khối lượng học tập trong mỗi học kì theo định mức sau (không kể khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh):

- Số tín chỉ tối thiểu là 0.9 tín chỉ nhân với số tuần của học kì.

- Số tín chỉ tối đa là 1.7 tín chỉ nhân với số tuần của học kì.

b) Sinh viên xếp hạng học lực yếu (quy định tại khoản 1 Điều 20 của Quy chế này) phải đăng kí khối lượng học tập trong mỗi học kì theo định mức sau (không kể khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh):

- Số tín chỉ tối thiểu là 0.6 tín chỉ nhân với số tuần của học kì.

- Số tín chỉ tối đa là 1.1 tín chỉ nhân với số tuần của học kì.

6. Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với sinh viên ở học kì 3.

7. Không quy định khối lượng học tập tối thiểu khi đăng kí học phần của chương trình đào tạo thứ hai.

Điều 9. Rút bớt học phần đã đăng kí

1. Việc rút bớt học phần trong khối lượng học tập đã đăng kí được thực hiện trong tuần thứ 3 của học kì; sinh viên thực hiện trực tuyến trên hệ thống đăng kí học tập.

2. Ngoài thời hạn quy định mà sinh viên không rút bớt, học phần vẫn được giữ nguyên. Nếu sinh viên không đi học thì sẽ được xem như tự ý bỏ học học phần này và phải nhận điểm F.

3. Việc rút bớt học phần đã đăng kí không được vi phạm khoản 5 Điều 8 của Quy chế này.

Điều 10. Tổ chức giảng dạy và học tập

1. Công tác tổ chức giảng dạy và học tập của Trường đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Phát huy năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giảng viên, phù hợp với quy định về chế độ làm việc của giảng viên.

b) Phát huy vai trò chủ động đồng thời đề cao trách nhiệm của sinh viên, tạo điều kiện và động lực để sinh viên nỗ lực học tập; giữ vững kỉ cương học đường, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

2. Hiệu trưởng phân công giảng viên giảng dạy các môn chung và cử trưởng nhóm giảng viên dạy môn chung.

Các trưởng nhóm có trách nhiệm tổ chức nhóm giảng viên dạy môn chung rà soát, thống nhất nội dung học phần; lập kế hoạch dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với lịch trình đào tạo; phát triển học liệu dùng chung, bao gồm học liệu số dùng trong dạy học kết hợp; xây dựng ngân hàng đề thi kết thúc học phần và thực hiện các công việc khác do Hiệu trưởng giao nhiệm vụ.

3. Trưởng khoa đào tạo phân công và tổ chức giảng viên giảng dạy các môn chuyên ngành, hướng dẫn thí nghiệm, thực hành, khoá luận.   

Điều 11. Dạy và học trực tuyến

1. Trường tổ chức dạy và học trực tuyến đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến.

2. Các khoa đào tạo, các đơn vị chức năng, các đơn vị phục vụ đào tạo thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng về chất lượng tổ chức dạy và học trực tuyến không thấp hơn chất lượng dạy và học trực tiếp.  

3. Với mỗi chương trình đào tạo, Hiệu trưởng quyết định tổ chức dạy và học trực tuyến một số học phần theo một trong hai cách:

a) Tổ chức dạy học học phần hoàn toàn theo phương thức trực tuyến.

b) Tổ chức dạy học học phần kết hợp giữa phương thức trực tuyến và trực tiếp.

Tổng khối lượng dạy và học trực tuyến theo cả hai cách không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

4. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, Trường thực hiện dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 12. Thực tập sư phạm và thực tập cuối khóa

1. Thực tập sư phạm (đối với các chương trình đào tạo giáo viên)

a) Khối lượng học tập tích lũy là 6 tín chỉ, thực hiện trong 10 tuần và diễn ra trong một học kì.

b) Nội dung thực tập sư phạm tại các cơ sở giáo dục gồm hai phần: Thực tập sư phạm 1 và Thực tập sư phạm 2. Mỗi phần có khối lượng học tập tích lũy là 3 tín chỉ và được thực hiện trong 5 tuần.

2. Sinh viên học cùng lúc hai chương trình mà chương trình thứ nhất và chương trình thứ hai đều thuộc các ngành đào tạo giáo viên thì được miễn Thực tập sư phạm 1 trong chương trình thứ hai và kết quả đánh giá của nội dung này đối với chương trình thứ hai được chuyển đổi từ kết quả Thực tập sư phạm 1 ở chương trình thứ nhất.

Điều kiện đăng kí Thực tập sư phạm 2 đối với chương trình thứ hai là sinh viên phải đạt đủ các điều kiện tiên quyết quy định trong chương trình đào tạo thứ hai và hoàn thành Thực tập sư phạm 1 và Thực tập sư phạm 2 ở chương trình đào tạo thứ nhất.

3. Thực tập cuối khóa (đối với các chương trình đào tạo không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên) có khối lượng học tập tích lũy, nội dung thực tập, địa điểm thực tập được quy định cụ thể trong từng chương trình đào tạo.

Trưởng khoa đào tạo xây dựng quy định thực tập cuối khóa phù hợp với chương trình đào tạo và trình Hiệu trưởng xem xét, phê duyệt.

Điều 13. Khoá luận

Đối với những chương trình đào tạo có quy định khóa luận, sinh viên phải đăng kí làm khoá luận hoặc học một số học phần chuyên ngành.

1. Sinh viên được làm khoá luận nếu có điểm trung bình tích lũy đạt từ 2.5 trở lên. Trưởng khoa đào tạo căn cứ tình hình cụ thể để quy định thêm các điều kiện cho sinh viên được làm khóa luận.

2. Sinh viên không làm khoá luận phải đăng kí học một số học phần chuyên ngành để thay thế sao cho tổng số tín chỉ của các học phần chuyên ngành không thấp hơn số tín chỉ của khoá luận.

 

Chương III

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP VÀ CẤP BẰNG TỐT NGHIỆP

Điều 14. Đánh giá học phần

1. Việc đánh giá và tính điểm học phần phải nghiêm túc, khách quan, tin cậy, trung thực và công bằng. Đánh giá kết quả học tập phải dựa trên chuẩn đầu ra của học phần, chú trọng đánh giá quá trình nhằm kịp thời điều chỉnh hoạt động giảng dạy và học tập, thúc đẩy nỗ lực và hỗ trợ tiến bộ của sinh viên.

2. Đối với mỗi học phần, sinh viên được đánh giá qua các điểm thành phần theo thang điểm 10 (từ 0 đến 10), làm tròn đến một chữ số thập phân.

3. Phương pháp, hình thức đánh giá và trọng số điểm thành phần

a) Đối với các học phần chỉ có lí thuyết hoặc có cả lí thuyết và thực hành, điểm tổng hợp đánh giá học phần (sau đây gọi tắt là điểm học phần) được tính căn cứ vào các điểm thành phần sau:

- Điểm chuyên cần chỉ có 3 mức là 0 hoặc 5 hoặc 10. Trọng số: 0.1.

- Điểm kiểm tra bộ phận, bao gồm: điểm kiểm tra trong quá trình học tập; điểm đánh giá nhận thức và thái độ tham gia thảo luận; điểm làm bài tập, trình bày báo cáo; điểm thực hành; điểm kiểm tra giữa học phần; điểm tiểu luận. Trọng số: 0.3.

- Điểm thi kết thúc học phần. Trọng số: 0.6.

b) Đối với các học phần thực hành, thí nghiệm: Sinh viên phải tham dự đầy đủ các bài thực hành. Điểm trung bình cộng của điểm các bài thực hành trong học kì được làm tròn đến một chữ số thập phân là điểm của học phần thực hành.

c) Đối với các học phần có hoạt động thực hành, trải nghiệm thực tế ngoài Trường, các cơ sở thực hành có thể tham gia đánh giá và cho điểm thành phần.

d) Phương pháp, hình thức đánh giá, trọng số của mỗi điểm thành phần được quy định trong đề cương chi tiết của từng học phần và được giảng viên phụ trách lớp học phần thông báo cho sinh viên khi bắt đầu học phần.

4. Giảng viên phụ trách học phần có trách nhiệm đánh giá và công bố điểm chuyên cần, điểm kiểm tra bộ phận của học phần trên Hệ thống quản lí kết quả học tập của Trường muộn nhất 03 ngày kể từ ngày kết thúc học phần.

Điều 15. Tổ chức kì thi kết thúc học phần

1. Cuối mỗi học kì, Trường tổ chức một kì thi kết thúc học phần. Thời gian thi được thông báo vào đầu năm học trong Kế hoạch đào tạo năm học do Hiệu trưởng phê duyệt. Lịch thi cụ thể các học phần được Trường công bố trước mỗi kì thi.

2. Điều kiện được dự thi kết thúc học phần:

a) Điểm chuyên cần: ≥ 5

b) Điểm kiểm tra bộ phận: ≥ 3

Trước kì thi 02 tuần, căn cứ danh sách sinh viên đáp ứng điều kiện về điểm chuyên cần, điểm kiểm tra bộ phận và danh sách sinh viên không nợ học phí, các đơn vị tổ chức thi lập danh sách phòng thi và thông báo cho sinh viên trước ngày thi ít nhất 05 ngày làm việc.

3. Ra đề thi, chấm thi và công bố điểm thi

a) Đề thi kết thúc học phần phải phù hợp với nội dung, chuẩn đầu ra của học phần đã quy định trong chương trình và phân loại được kết quả học tập của sinh viên.

b) Thời hạn hoàn thành chấm thi học phần và công bố kết quả không quá 7 ngày kể từ buổi thi cuối cùng của kì thi kết thúc học phần.

c) Các đơn vị tổ chức thi có trách nhiệm nhập điểm thi kết thúc học phần vào Hệ thống quản lí kết quả học tập và công bố điểm thi kết thúc học phần muộn nhất là 02 ngày sau khi hết thời gian chấm thi của học phần.

4. Sinh viên vắng mặt trong buổi thi, đánh giá không có lí do chính đáng coi như bỏ thi và phải nhận điểm 0. Sinh viên vắng mặt có lí do chính đáng sẽ phải đăng kí dự thi ở kì thi, đánh giá sau đó và được tính điểm lần đầu.

Điều 16. Đánh giá khóa luận

Đối với những chương trình đào tạo có quy định khóa luận:

1. Sinh viên phải bảo vệ khóa luận trước Hội đồng chấm khóa luận. Hội đồng chấm khóa luận có ít nhất 3 thành viên do Hiệu trưởng quyết định, trong đó có một cán bộ phản biện.

Đối với các ngành đào tạo đặc thù, Trưởng khoa đào tạo đề xuất phương thức đánh giá khóa luận và trình Hiệu trưởng xem xét, phê duyệt.

2. Điểm của khoá luận được chấm theo thang điểm 10 và quy đổi sang thang điểm chữ theo quy định tại Điều 18 của Quy chế này.

Kết quả đánh giá khóa luận được công bố chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày sinh viên bảo vệ trước Hội đồng.

Điểm khoá luận được tính vào điểm trung bình tích lũy của toàn khoá học.

3. Sinh viên có khoá luận bị điểm F, phải đăng kí làm lại khóa luận hoặc phải đăng kí học một số học phần chuyên ngành để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Quy chế này.

Điều 17. Đánh giá trực tuyến

1. Hình thức đánh giá học phần trực tuyến được áp dụng khi đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp, đồng thời đóng góp không quá 50% trọng số điểm học phần.

2. Hình thức bảo vệ và đánh giá khóa luận trực tuyến (đối với những chương trình đào tạo có quy định khóa luận) được áp dụng khi đáp ứng thêm các điều kiện sau đây:

a) Hình thức bảo vệ và đánh giá trực tuyến được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và sinh viên;

b) Diễn biến buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm và lưu trữ đầy đủ.

3. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, Trường thực hiện đánh giá trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 18. Cách tính điểm học phần

1. Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn tới một chữ số thập phân và xếp loại điểm chữ như dưới đây, trừ các trường hợp được quy định tại điểm d khoản này.

a) Loại đạt có phân mức, áp dụng cho các học phần được tính vào điểm trung bình học tập, bao gồm:

Giỏi:                    Điểm A: Từ 8.5 đến 10

Khá:                    Điểm B+: Từ 7.8 đến 8.4;                    Điểm B: Từ 7.0 đến 7.7

Trung bình:        Điểm C+: Từ 6.3 đến 6.9                     Điểm C: Từ 5.5 đến 6.2

Trung bình yếu:  Điểm D+: Từ 4.8 đến 5.4                    Điểm D: Từ 4.0 đến 4.7

b) Loại đạt không phân mức, áp dụng cho các học phần chỉ yêu cầu đạt, không tính vào điểm trung bình học tập:

P: Từ 5.0 trở lên.

c) Loại không đạt:

Kém:                     F: dưới 4.0

d) Một số trường hợp đặc biệt sử dụng các điểm chữ xếp loại, không được tính vào điểm trung bình học tập:

I: Điểm chưa hoàn thiện do được phép hoãn thi, kiểm tra;

X: Điểm chưa hoàn thiện do chưa đủ dữ liệu;

R: Điểm học phần được miễn học, miễn thi, công nhận tín chỉ.

2. Việc xếp loại các mức điểm A, B+, B, C+, C, D+, D được áp dụng cho các trường hợp sau đây:

a) Đối với những học phần mà sinh viên đã có đủ điểm thành phần, kể cả trường hợp bỏ học, bỏ kiểm tra hoặc bỏ thi không có lí do phải nhận điểm 0;

b) Chuyển đổi từ điểm I qua, sau khi đã có các kết quả đánh giá thành phần mà trước đó sinh viên được phép hoãn thi, kiểm tra;

c) Chuyển đổi từ các trường hợp X qua.

3. Việc xếp loại mức F ngoài trường hợp đã nêu ở khoản 1 Điều này, còn áp dụng cho các trường hợp:

a) Sinh viên không đủ điều kiện dự thi theo khoản 2 Điều 15 của Quy chế này.

b) Sinh viên vi phạm quy chế thi và nhận quyết định kỉ luật ở mức đình chỉ thi.

4. Việc xếp loại I được áp dụng cho trường hợp: Trong thời gian học hoặc thi kết thúc học phần, vì bị ốm, gặp tai nạn hoặc lí do khách quan khác nên sinh viên không thể dự kiểm tra hoặc thi; sinh viên làm đơn xin hoãn thi, kiểm tra và được Trưởng khoa đào tạo chấp thuận.

Trước khi bắt đầu học kì kế tiếp, sinh viên nhận xếp loại I phải trả xong các nội dung kiểm tra thành phần còn nợ để được chuyển điểm.

Trường hợp sinh viên chưa trả nợ và chưa chuyển điểm nhưng không rơi vào trường hợp bị buộc thôi học thì vẫn được học tiếp ở các học kì kế tiếp.

5. Việc xếp loại X được áp dụng cho trường hợp: Phòng Đào tạo chưa nhận được báo cáo kết quả học tập của sinh viên từ khoa đào tạo chuyển lên.

6. Việc xếp loại R được áp dụng cho các trường hợp sau:

a) Điểm học phần được đánh giá ở các mức điểm A, B+, B, C+, C, D+, D trong đợt thi, đánh giá học kì (nếu có) đối với một số học phần được phép thi sớm để giúp sinh viên học vượt.

b) Những học phần được công nhận kết quả học tập do sinh viên đã tích lũy tín chỉ từ một trình độ đào tạo, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo, một khóa học khác (kể cả từ một cơ sở đào tạo khác) và các trường hợp khác được Trường xem xét, công nhận theo quy định tại Điều 22 của Quy chế này.

Điều 19. Đánh giá kết quả học tập theo học kì, năm học

1. Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kì, năm học dựa trên kết quả các học phần thuộc chương trình đào tạo mà sinh viên đã học và có điểm theo các tiêu chí sau đây:

a) Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên không đạt trong một học kì, trong một năm học, hoặc nợ đọng từ đầu khoá học;

b) Tổng số tín chỉ của những học phần mà sinh viên đã đạt từ đầu khóa học (số tín chỉ tích lũy), tính cả các học phần được miễn học, miễn thi và công nhận tín chỉ;

c) Điểm trung bình của những học phần mà sinh viên đã học trong một học kì (điểm trung bình học kì), trong một năm học (điểm trung bình năm học) hoặc tính từ đầu khóa học (điểm trung bình tích lũy), tính theo điểm học phần và trọng số là số tín chỉ của học phần đó.

2. Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số tương ứng theo thang từ 0 tới 4 như dưới đây:

A       quy đổi thành            4

B+     quy đổi thành            3,5

B       quy đổi thành            3

C+     quy đổi thành            2,5

C       quy đổi thành            2

D+    quy đổi thành            1,5

D       quy đổi thành            1

F        quy đổi thành            0

Những điểm chữ không được quy định tại khoản này không được tính vào điểm trung bình học kì, điểm trung bình năm học và điểm trung bình tích lũy.

Những học phần không nằm trong yêu cầu của chương trình đào tạo không được tính khi đánh giá kết quả học tập của sinh viên.

3. Điểm trung bình học kì, điểm trung bình năm học và điểm trung bình tích lũy được tính theo công thức sau và được làm tròn đến 2 chữ số thập phân:          

                                       

Trong đó:

A là điểm trung bình học kì, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy;

ai là điểm của học phần thứ i;

ni là số tín chỉ của học phần thứ i;

n là tổng số học phần trong học kì, năm học hoặc đã tích lũy từ đầu khóa học.

Điều 20. Xếp hạng học lực và năm đào tạo

1. Sinh viên được xếp loại học lực theo điểm trung bình học kì, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy và được xếp hạng về học lực như sau:

a) Hạng học lực bình thường nếu điểm trung bình đạt từ 2.0 trở lên, gồm các loại học lực:

Từ 3.6 đến 4.0: Xuất sắc;

Từ 3.2 đến cận 3.6: Giỏi;

Từ 2.5 đến cận 3.2: Khá;

Từ 2.0 đến cận 2.5: Trung bình.

b) Hạng học lực yếu (loại học lực yếu) nếu điểm trung bình đạt dưới 2.0 nhưng chưa rơi vào trường hợp bị buộc thôi học.

2. Sinh viên được xếp trình độ năm học căn cứ số tín chỉ tích lũy được từ đầu khóa học (gọi tắt là N) như sau:

a) Trình độ năm thứ nhất: N < 35;

b) Trình độ năm thứ hai: 35 ≤ N < 70;

c) Trình độ năm thứ ba: 70 ≤ N < 105;

d) Trình độ năm thứ tư: 105 ≤ N.

Điều 21. Cảnh báo học tập và buộc thôi học

1. Cảnh báo học tập được thực hiện theo từng học kì, nhằm giúp cho sinh viên có kết quả học tập kém biết và lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình.

Sinh viên bị cảnh báo học tập nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

a) Tổng số tín chỉ không đạt trong học kì vượt quá 50% khối lượng đã đăng kí học trong học kì, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học đến thời điểm xét vượt quá 24;

b) Điểm trung bình học kì đạt dưới 0.8 đối với học kì đầu của khóa học, dưới 1.0 đối với các học kì tiếp theo;

c) Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1.2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1.4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1.6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba, dưới 1.8 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khoá.

2. Sau mỗi học kì, sinh viên bị buộc thôi học nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Có số lần cảnh báo học tập vượt quá 3 lần hoặc 2 lần liên tiếp;

b) Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại Trường quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy chế này; 

c) Tự ý bỏ học;

d) Bị kỉ luật lần thứ hai vì lí do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Quy chế này hoặc bị kỉ luật ở mức xoá tên khỏi danh sách sinh viên của Trường.

3. Căn cứ kế hoạch đào tạo năm học, phòng Đào tạo thông báo kế hoạch các đợt xét cảnh báo học tập cho sinh viên. Các khoa đào tạo rà soát, xét cảnh báo học tập tại Khoa và gửi Biên bản xét cảnh báo học tập về phòng Đào tạo trước 03 ngày của mỗi đợt xét của Hội đồng xét cảnh báo học tập cấp Trường.

4. Các khoa đào tạo thông báo quyết định tới sinh viên bị cảnh báo học tập. Cố vấn học tập hỗ trợ sinh viên lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình.

5. Trong thời hạn một tháng sau khi sinh viên có quyết định buộc thôi học, Trường thông báo quyết định đó cho gia đình, địa phương nơi sinh viên có hộ khẩu thường trú.

Sinh viên khi bị buộc thôi học được cung cấp chứng nhận về các học phần đã tích luỹ trong chương trình đào tạo của Trường.

Điều 22. Công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ

1. Kết quả học tập của sinh viên đã tích lũy từ một trình độ đào tạo, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo, một khóa học khác (kể cả từ một cơ sở đào tạo khác) được Trường xem xét, quyết định công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của từng học phần trong chương trình đào tạo tại Trường mà sinh viên theo học.

2. Hội đồng chuyên môn của Trường xem xét công nhận, chuyển đổi tín chỉ trên cơ sở đối sánh chuẩn đầu ra, nội dung và khối lượng học tập, cách thức đánh giá học phần và các điều kiện bảo đảm chất lượng thực hiện chương trình theo các cấp độ:

a) Công nhận, chuyển đổi theo từng học phần;

b) Công nhận, chuyển đổi theo từng nhóm học phần;

c) Công nhận, chuyển đổi theo cả chương trình đào tạo.

3. Khối lượng tối đa được công nhận, chuyển đổi không vượt quá 50% khối lượng học tập tối thiểu của chương trình đào tạo.

4. Trường có quy định riêng về công nhận kết quả học tập và chuyển đổi tín chỉ các học phần chung, bao gồm:

a) Xem xét miễn học, miễn thi ngoại ngữ, tin học đối với sinh viên có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

b) Xem xét miễn học, miễn thi các học phần giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng - an ninh đối với sinh viên đã có chứng chỉ hoàn thành khi học một chương trình đào tạo trình độ đại học khác. 

c) Xem xét, quyết định công nhận kết quả học tập, chuyển đổi tín chỉ và điểm các học phần giáo dục chính trị mà sinh viên đã tích lũy từ một chương trình đào tạo trình độ đại học khác.

5. Trưởng khoa đào tạo xây dựng quy định công nhận kết quả học tập, chuyển đổi tín chỉ học phần chuyên ngành và trình Hiệu trưởng xem xét, phê duyệt, bao gồm:

a) Đối với học sinh trường trung học phổ thông chuyên

- Xem xét, công nhận kết quả học tập trong chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi và miễn học nhưng không miễn thi học phần chuyên ngành tương ứng.

- Cho phép học sinh trường trung học phổ thông chuyên đáp ứng các điều kiện do Hiệu trưởng quy định được học trước một số học phần chuyên ngành.  

- Tổng số tín chỉ được miễn học hoặc công nhận kết quả học tập, chuyển đổi tín chỉ, điểm (do học trước) không vượt quá 50% tổng khối lượng học tập của các học phần chuyên ngành thuộc chương trình đào tạo đại học mà học sinh theo học sau này.

b) Xem xét miễn học (không miễn thi) hoặc công nhận kết quả học tập, chuyển đổi tín chỉ và điểm đối với các học phần chuyên ngành mà sinh viên đã tích lũy từ một trình độ đào tạo, một ngành đào tạo hoặc một chương trình đào tạo, một khóa học khác (kể cả từ một cơ sở đào tạo khác).  

c) Tổ chức một số học phần chuyên ngành tự chọn thuộc chương trình đào tạo trình độ đại học có chuẩn đầu ra tương đương với trình độ thạc sĩ. Sinh viên đáp ứng các điều kiện do Hiệu trưởng quy định được đăng kí học tập các học phần này. Kết quả học tập được Trường xem xét, quyết định công nhận, chuyển đổi sang tín chỉ của những học phần tương ứng thuộc chương trình đào tạo sau đại học của Trường mà sinh viên theo học sau này.

d) Tổ chức sinh viên nghiên cứu khoa học và căn cứ kết quả nghiên cứu, công bố khoa học của sinh viên đề xuất để Trường xem xét, quyết định công nhận và chuyển đổi sang tín chỉ của học phần chuyên ngành phù hợp hoặc khoá luận.

Điều 23. Công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp

1. Sinh viên được xét và công nhận tốt nghiệp một chương trình đào tạo khi có đủ các điều kiện sau:

a) Tích lũy đủ học phần, số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc khác theo yêu cầu của chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo;

b) Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2.0 trở lên;

c) Có chứng chỉ Giáo dục Quốc phòng và An ninh đối với các ngành đào tạo không chuyên về quốc phòng - an ninh và có chứng chỉ Giáo dục thể chất đối với các ngành không chuyên về thể dục - thể thao;

d) Đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin theo quy định của Trường;

e) Tại thời điểm xét tốt nghiệp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không đang trong thời gian bị kỉ luật ở mức đình chỉ học tập.

2. Trường xét tốt nghiệp 03 đợt trong một năm học. Căn cứ kế hoạch đào tạo năm học, phòng Đào tạo thông báo kế hoạch các đợt xét tốt nghiệp cho các khoa đào tạo và sinh viên.

a) Trước mỗi đợt xét tốt nghiệp, các khoa đào tạo thông báo cho sinh viên đủ điều kiện xét tốt nghiệp đăng kí xét tốt nghiệp trực tuyến. Các khoa đào tạo họp xét tốt nghiệp và gửi biên bản xét tốt nghiệp cho phòng Đào tạo trước 03 ngày của mỗi đợt xét tốt nghiệp.

b) Hội đồng xét tốt nghiệp của Trường căn cứ dữ liệu trên hệ thống quản lí đào tạo và biên bản xét tốt nghiệp của các khoa, đối chiếu với điều kiện công nhận tốt nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này để lập danh sách những sinh viên đủ điều kiện tốt nghiệp.

Hội đồng xét tốt nghiệp của Trường do Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được Hiệu trưởng uỷ quyền làm Chủ tịch, Trưởng phòng Đào tạo làm Thư kí và các thành viên là các Trưởng khoa đào tạo, Trưởng phòng Công tác chính trị và học sinh sinh viên.

c) Căn cứ đề nghị của Hội đồng xét tốt nghiệp, Hiệu trưởng ra quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp trong thời hạn 03 tháng tính từ thời điểm sinh viên đáp ứng đầy đủ điều kiện tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ với Trường.

3. Hạng tốt nghiệp được xác định căn cứ vào điểm trung bình tích lũy toàn khoá được quy định tại khoản 1 Điều 20 của Quy chế này.

4. Hạng tốt nghiệp của sinh viên có điểm trung bình tích lũy loại xuất sắc và giỏi sẽ bị giảm đi một mức nếu bị kỉ luật từ mức cảnh cáo trở lên trong thời gian học.

5. Kết quả học tập của sinh viên được ghi theo từng học phần vào phụ lục văn bằng kèm bằng cử nhân. Trong phụ lục văn bằng phải ghi chuyên ngành (hướng chuyên sâu) hoặc ngành phụ (nếu có).

6. Sinh viên đã hết thời gian học tập tối đa theo quy định nhưng chưa đủ điều kiện tốt nghiệp do chưa hoàn thành chứng chỉ Giáo dục quốc phòng - an ninh, chứng chỉ Giáo dục thể chất hoặc chưa đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, công nghệ thông tin theo quy định của Trường, trong thời hạn 03 năm tính từ khi thôi học được hoàn thiện các điều kiện còn thiếu và đề nghị xét công nhận tốt nghiệp.

7. Sinh viên không tốt nghiệp được cấp chứng nhận về các học phần đã tích luỹ trong chương trình đào tạo của Trường.

Chương IV

NHỮNG QUY ĐỊNH KHÁC ĐỐI VỚI SINH VIÊN

Điều 24. Nghỉ ốm, nghỉ học tạm thời, thôi học

1. Sinh viên xin nghỉ ốm trong quá trình học hoặc trong đợt thi, phải viết đơn xin phép gửi Trưởng khoa đào tạo trong vòng một tuần kể từ ngày ốm, kèm theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

2. Sinh viên được quyền viết đơn gửi Hiệu trưởng xin nghỉ học tạm thời và bảo lưu kết quả đã học trong các trường hợp sau:

a) Được điều động vào lực lượng vũ trang;

b) Được cơ quan có thẩm quyền điều động làm đại diện quốc gia tham dự các kì thi, giải đấu quốc tế;

c) Bị ốm, thai sản hoặc tai nạn phải điều trị thời gian dài có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế;

d) Không đăng kí đủ khối lượng học tập tối thiểu trong một học kì;

e) Vì lí do cá nhân khác nhưng đã phải học tối thiểu 01 học kì ở Trường, phải đạt điểm trung bình tích lũy không dưới 2.0 và không thuộc các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỉ luật.

3. Thời gian nghỉ học tạm thời vì lí do cá nhân phải được tính vào thời gian học chính thức quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy chế này.

4. Sinh viên nghỉ học tạm thời, khi muốn trở lại học tiếp tại Trường, phải viết đơn nộp tại Khoa đào tạo 3 tuần trước khi bắt đầu học kì mới.

5. Ngoài các trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xem xét kỉ luật, sinh viên có thể xin thôi học vì lí do cá nhân. Những sinh viên xin thôi học vì lí do cá nhân nếu muốn quay trở lại học thì phải dự tuyển đầu vào như những thí sinh khác.

Khi xin thôi học vì lí do cá nhân, sinh viên được cung cấp chứng nhận về các học phần đã tích luỹ trong chương trình đào tạo của Trường.

Điều 25. Chuyển ngành, chuyển trường, chuyển hình thức học

1. Sinh viên được xem xét chuyển sang học một chương trình, một ngành đào tạo khác của Trường khi có đủ các điều kiện sau:

a) Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy chế này;

b) Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo (có nguyện vọng chuyển sang) trong cùng khóa tuyển sinh;

c) Trường có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

d) Được sự đồng ý của các Trưởng khoa đào tạo phụ trách chương trình, ngành đào tạo (chuyển đi và chuyển sang) và của Hiệu trưởng.

2. Sinh viên của Trường được xem xét cho chuyển đi học ở cơ sở đào tạo khác. Mặt khác sinh viên học ở cơ sở đào tạo khác được xem xét cho chuyển đến học tại Trường. Sinh viên chuyển trường cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Không đang là sinh viên trình độ năm thứ nhất hoặc năm cuối khóa, không đang trong thời gian bị kỉ luật từ cảnh cáo trở lên, không thuộc diện bị xem xét buộc thôi học và còn đủ thời gian học tập theo quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy chế này;

b) Xin chuyển đến trường có cùng ngành hoặc nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học;

c) Sinh viên đạt điều kiện trúng tuyển của chương trình, ngành đào tạo cùng khóa tuyển sinh tại nơi chuyển đến;

d) Nơi chuyển đến có đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng, chưa vượt quá năng lực đào tạo đối với chương trình, ngành đào tạo đó theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

e) Được sự đồng ý của các Hiệu trưởng cơ sở đào tạo xin chuyển đi và cơ sở đào tạo xin chuyển đến.

3. Tùy trường hợp cụ thể, Hiệu trưởng xem xét, quyết định cho sinh viên chuyển từ đào tạo theo hình thức chính quy sang hình thức vừa làm vừa học của Trường nếu còn đủ thời gian học tập theo quy định đối với hình thức chuyển sang.

4. Căn cứ đề xuất của Trưởng khoa đào tạo, Hiệu trưởng xem xét, quyết định công nhận kết quả học tập, chuyển đổi tín chỉ đã tích lũy đối cho sinh viên thuộc các trường hợp trên.

Điều 26. Trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo

1. Trên cơ sở đánh giá và công nhận lẫn nhau về chương trình đào tạo, nội dung đào tạo và giá trị của tín chỉ, tùy điều kiện cụ thể, Hiệu trưởng quyết định cho phép sinh viên của Trường được học một số học phần tại cơ sở đào tạo khác và ngược lại (sau đây gọi là trao đổi sinh viên).

Số lượng tín chỉ mà sinh viên của Trường tích lũy tại các cơ sở đào tạo khác không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo tại Trường.

2. Trong hợp tác đào tạo giữa các cơ sở đào tạo, việc đánh giá và công nhận lẫn nhau số lượng tín chỉ mà sinh viên tích lũy tại cơ sở phối hợp đào tạo không vượt quá 25% tổng khối lượng của chương trình đào tạo.

3. Trưởng khoa đào tạo đề xuất các chương trình trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo chuyên ngành và trình Hiệu trưởng xem xét, phê duyệt.

Điều 27. Học cùng lúc hai chương trình

1. Học cùng lúc hai chương trình dành cho sinh viên có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này và có nhu cầu đăng kí học thêm một chương trình đào tạo thứ hai để khi tốt nghiệp được cấp hai văn bằng.

Khi học chương trình đào tạo thứ hai, sinh viên được công nhận kết quả của những học phần có nội dung và khối lượng học tập tương đương có trong chương trình đào tạo thứ nhất.

2. Sinh viên được đăng kí học chương trình thứ hai sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ hai của chương trình thứ nhất. Ngành đào tạo chính ở chương trình thứ hai phải khác ngành đào tạo chính ở chương trình thứ nhất.

Tại thời điểm đăng kí, sinh viên phải đáp ứng thêm 01 trong 02 điều kiện sau:

a) Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh;

b) Học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển của chương trình thứ hai trong năm tuyển sinh.

3. Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích luỹ của chương trình thứ nhất đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo học tập thì phải dừng học chương trình thứ hai ở học kì tiếp theo.

4. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất, quy định tại khoản 3 Điều 2 của Quy chế này.

5. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất và đã đăng kí muộn nhất 02 năm trước thời điểm xét tốt nghiệp chương trình thứ hai.

6. Tùy thuộc vào điều kiện đào tạo của từng ngành, Trường xét duyệt chỉ tiêu đào tạo chương trình thứ hai hằng năm và thông báo cho sinh viên đăng kí trước học kì 1 và trước học kì 2 trên hệ thống đăng kí học tập của Trường.

7. Trước mỗi học kì, sinh viên phải đăng kí học phần của chương trình thứ nhất, tuy nhiên có thể đăng kí hoặc không đăng kí học phần của chương trình thứ hai.

Sinh viên học chương trình thứ hai đăng kí học cùng với sinh viên học chương trình thứ nhất, không phân biệt lớp tín chỉ.

8. Trưởng khoa đào tạo của chương trình thứ hai quy định danh mục các học phần tương đương trong chương trình thứ nhất có thể chuyển đổi tín chỉ, điểm cho các học phần của chương trình thứ hai kèm theo các điều kiện cụ thể và trình Hiệu trưởng xem xét, phê duyệt.

Điều 28. Học liên thông đối với người có văn bằng khác

1. Người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp được xem xét dự tuyển và học liên thông lên trình độ đại học theo quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy chế của Trường.

2. Người đã tốt nghiệp đại học được xem xét dự tuyển và học liên thông để nhận thêm một bằng tốt nghiệp đại học của một ngành đào tạo của Trường đã tuyển sinh được tối thiểu 03 khóa, áp dụng chuẩn đầu ra chung như đối với những sinh viên đại học chính quy khác.

3. Người học liên thông thực hiện chương trình đào tạo và đăng kí học tập theo kế hoạch chung như các sinh viên đại học chính quy khác. Trên cơ sở quyết định công nhận và chuyển đổi tín chỉ của Hiệu trưởng, sinh viên được miễn trừ các học phần tương ứng với khối lượng học tập đã tích lũy theo quy định tại Điều 22 của Quy chế này.

Điều 29. Xử lí vi phạm đối với sinh viên

1. Sinh viên có gian lận trong kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập sẽ bị xử lí kỉ luật đối với từng học phần đã vi phạm.

2. Sinh viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỉ luật ở mức đình chỉ học tập 01 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

3. Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, huỷ bỏ.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 30. Thực hiện quy chế đào tạo

1. Các khoa đào tạo, các đơn vị chức năng, các đơn vị phục vụ đào tạo và các đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện Quy chế đào tạo.

a) Phổ biến quy chế đào tạo, quy định về công tác cố vấn học tập và hướng dẫn sinh viên thực hiện các quy chế, quy định đào tạo ngay đầu khóa học;

b) Lập kế hoạch và tổ chức đào tạo;  

c) Đảm bảo cơ sở vật chất, giảng đường, phòng học, phòng chức năng, không gian tự học, tự rèn luyện và hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu giảng dạy và học tập;

d) Thanh tra, giám sát nội bộ quá trình giảng dạy và học tập;

e) Thu thập, đánh giá ý kiến phản hồi của người học về các điều kiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả học tập đối với tất cả các lớp học phần để cải tiến chất lượng;

f) Đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp;

g) Lưu trữ, bảo quản an toàn các tài liệu liên quan tới công tác đào tạo;

h) Công khai trên trang thông tin điện tử của Trường về công tác đào tạo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Trường báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về số liệu sinh viên tuyển mới, sinh viên tốt nghiệp, sinh viên thôi học, sinh viên đang học trong năm, sinh viên dự kiến tốt nghiệp trong năm sau và sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm trong thời gian 12 tháng theo kế hoạch và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 31. Kiểm tra, thanh tra và xử lí vi phạm

1. Trường tổ chức kiểm tra, thanh tra nội bộ việc thực hiện quy chế đào tạo và các hoạt động khác liên quan đến đào tạo trình độ đại học hệ chính quy; chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo các quy định hiện hành.

2. Các đơn vị và cá nhân tham gia công tác đào tạo trình độ đại học hệ chính quy có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, thanh tra.

3. Các đơn vị và cá nhân nếu có các hành vi vi phạm quy định tại Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử lí kỉ luật hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.

 

Các thông báo khác
Khảo sát thanh toán học phí (11/19/2019 16:26:03)
TKB HK2 năm học 2018-2019 (12/21/2018 16:09:42)