Chi tiết

Một số điều tân sinh viên cần biết về quá trình đào tạo tại Trường ĐHSP Hà Nội

Tân sinh viên cần tìm hiểu các quy chế, quy định liên quan đến quá trình đào tạo tại Trường. Dưới đây là tóm lược một số điều tân sinh viên cần biết. Để biết thêm chi tiết, sinh viên liên hệ với thầy/cô cố vấn học tập, giáo vụ và quản lí sinh viên của Khoa.>

I. Chương trình đào tạo

1. Khối lượng học tập của mỗi chương trình từ 120 đến 155 tín chỉ (TC), không kể các học phần GDTC, GDQPAN.

- Tích lũy TC theo từng học phần (môn học), mỗi học phần: 02 - 05 TC.

- 01 TC lí thuyết yêu cầu tối thiểu 15 giờ học trên lớp. 01 TC bài tập, thực hành tương đương với 30 giờ trên lớp. 01 giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.

- Để tiếp thu 01 TC sinh viên cần 30 giờ tự học, tự nghiên cứu.

2. Thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa là 04 năm. Thời gian tối đa để hoàn thành khoá học là 06 năm.

3. Một học phần được tổ chức giảng dạy, học tập trong một học kì (HK) và được kí hiệu bằng một mã số riêng. Có hai loại học phần:

- Học phần bắt buộc chứa nội dung chính yếu, bắt buộc sinh viên phải tích lũy.

- Học phần tự chọn chứa nội dung cần thiết, nhưng sinh viên được lựa chọn theo hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tuỳ ý để tích luỹ đủ số TC.

4. Sinh viên không đạt một học phần sẽ phải đăng kí học lại.

II. Lập kế hoạch và tổ chức đào tạo

1. Một năm học có 03 học kì.

- HK1, HK2: mỗi kì có 12 - 15 tuần học và 03 tuần thi.

- HK3 có ít nhất 05 tuần học và 01 tuần thi.

2. Khi nhập học SV sẽ được xếp vào lớp sinh hoạt và sau đó là lớp học phần.

a) Lớp sinh hoạt được tổ chức theo khóa tuyển sinh (K72): Duy trì trong cả khóa học, có mã số riêng, có cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Hội SV và cố vấn học tập.

b) Lớp học phần được tổ chức theo từng học phần ở từng học kì: Có mã số riêng và TKB quy định cụ thể về thời gian, giảng đường, giảng viên phụ trách. Lớp học phần tự giải thể khi kết thúc học phần.

3. Trong HK đầu tiên, SV học theo thời khóa biểu do Trường sắp xếp. Trong các HK tiếp theo, SV tự chủ đăng kí các học phần theo nguyện vọng với sự hướng dẫn của cố vấn học tập.

4. Căn cứ danh sách học phần được mở/HK, SV đăng kí các học phần dự định sẽ học, gồm: học phần mới, học phần chưa đạt (học lại) hoặc học phần đã đạt (cải thiện điểm).

5. Việc đăng kí các học phần/HK phải bảo đảm điều kiện tiên quyết.

Điều kiện tiên quyết của học phần là những học phần mà SV phải học ở HK trước đó.

6. SV đăng kí các học phần tại Cổng đăng kí tại địa chỉ: http://daotao.hnue.edu.vn/.

7. Đối với HK1 và HK2, SV xếp hạng học lực bình thường đăng kí khối lượng học tập trong mỗi HK theo định mức sau:

- Số TC tối thiểu là 0.9 TC nhân với số tuần của HK.

- Số TC tối đa là 1.7 TC nhân với số tuần của HK.

SV xếp hạng học lực yếu đăng kí khối lượng học tập theo định mức sau:

- Số TC tối thiểu là 0.6 TC nhân với số tuần của HK.

- Số TC tối đa là 1.1 TC nhân với số tuần của HK.

8. Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với SV ở HK3.

Không quy định khối lượng học tập tối thiểu khi đăng kí học phần của chương trình đào tạo thứ 2.

III. Đánh giá kết quả học tập

1. Với mỗi học phần, SV được đánh giá qua các điểm thành phần như sau:

- Điểm chuyên cần chỉ có 3 mức là 0 hoặc 5 hoặc 10. Trọng số: 0.1.

- Điểm kiểm tra bộ phận, bao gồm: điểm kiểm tra trong quá trình học; điểm đánh giá thái độ tham gia thảo luận; điểm làm bài tập, trình bày báo cáo; điểm thực hành; điểm tiểu luận. Trọng số: 0.3.

- Điểm thi kết thúc học phần. Trọng số: 0.6.

2. Điều kiện được dự thi kết thúc học phần:

- Điểm chuyên cần: ≥ 5

- Điểm kiểm tra bộ phận: ≥ 3

- Không nợ học phí.

3. SV vắng thi mà không có lí do chính đáng coi như bỏ thi và phải nhận điểm 0.

SV vắng mặt có lí do sẽ phải đăng kí dự thi ở kì thi sau đó và được tính điểm lần đầu.

4. Điểm học phần được tính từ tổng các điểm thành phần nhân với trọng số tương ứng, được làm tròn và xếp loại điểm chữ như dưới đây.

a) Loại đạt bao gồm:

Giỏi:                  Điểm A: Từ 8.5 đến 10

Khá:                   Điểm B+: Từ 7.8 đến 8.4          Điểm B: Từ 7.0 đến 7.7

Trung bình:        Điểm C+: Từ 6.3 đến 6.9         Điểm C: Từ 5.5 đến 6.2

Trung bình yếu:  Điểm D+: Từ 4.8 đến 5.4         Điểm D: Từ 4.0 đến 4.7

b) Loại không đạt:

Kém:                   F: dưới 4.0

5. Kết quả học tập của SV được đánh giá sau từng HK, năm học dựa trên kết quả các học phần mà SV đã học và có điểm. Để tính điểm trung bình, điểm chữ của học phần được quy đổi về điểm số tương ứng theo thang từ 0 tới 4 như dưới đây:

A          quy đổi thành           4

B+        quy đổi thành           3,5

B          quy đổi thành           3

C+        quy đổi thành           2,5

C          quy đổi thành           2

D+        quy đổi thành           1,5

D          quy đổi thành           1

F           quy đổi thành           0

6. SV được xếp loại học lực theo điểm trung bình HK, điểm trung bình năm học hoặc điểm trung bình tích lũy và được xếp hạng về học lực như sau:

a) Hạng học lực bình thường nếu điểm trung bình đạt từ 2.0 trở lên, gồm các loại:

Từ 3.6 đến 4.0: Xuất sắc

Từ 3.2 đến cận 3.6: Giỏi

Từ 2.5 đến cận 3.2: Khá

Từ 2.0 đến cận 2.5: Trung bình.

b) Hạng học lực yếu (loại học lực yếu) nếu điểm trung bình đạt dưới 2.0 nhưng chưa rơi vào trường hợp bị buộc thôi học.

7. SV được xếp trình độ năm học căn cứ số TC tích lũy được từ đầu khóa học (gọi tắt là N) như sau:

- Trình độ năm thứ nhất: N < 35

- Trình độ năm thứ 2: 35 ≤ N < 70

- Trình độ năm thứ 3: 70 ≤ N < 105

- Trình độ năm thứ 4: 105 ≤ N.

IV. Cảnh báo học tập và cấp bằng tốt nghiệp

1. Cảnh báo học tập được thực hiện theo từng HK, nhằm giúp cho SV có kết quả học tập kém biết và lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa: 06 năm. SV bị cảnh báo học tập nếu rơi vào 01 trong 04 trường hợp sau:

- Tổng số TC không đạt trong HK vượt quá 50% số TC đã đăng kí học trong HK.

- Tổng số TC nợ đọng từ đầu khóa đến thời điểm xét: vượt quá 24.

- Điểm trung bình HK dưới 0.8 đối với HK đầu, dưới 1.0 đối với các HK tiếp theo.

- Điểm trung bình tích lũy dưới 1.2 đối với SV trình độ năm thứ nhất, dưới 1.4 đối với SV trình độ năm thứ 2, dưới 1.6 đối với SV trình độ năm thứ 3, dưới 1.8 đối với SV các năm tiếp theo và cuối khoá.

2. Sau mỗi HK, SV bị buộc thôi học nếu thuộc 01 trong 04 trường hợp sau:

- Có số lần cảnh báo học tập vượt quá 03 lần hoặc 02 lần liên tiếp.

- Vượt quá thời gian tối đa: 06 năm.

- Tự ý bỏ học.

- Bị kỉ luật.

3. Trường xét tốt nghiệp 03 đợt/năm. SV được xét tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện:

- Tích lũy đủ học phần bắt buộc và số TC theo yêu cầu của chương trình đào tạo;

- Điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học đạt từ 2.0 trở lên;

- Có chứng chỉ GDQPAN và chứng chỉ GDTC;

- Đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ theo quy định của Trường;

- Không bị kỉ luật.

4. Hạng tốt nghiệp được xác định căn cứ vào điểm trung bình tích lũy toàn khoá.

Hạng tốt nghiệp của SV có điểm trung bình tích lũy loại xuất sắcgiỏi sẽ bị hạ một mức nếu SV bị k luật từ mức cảnh cáo trở lên.

V. Học cùng lúc hai chương trình

1. Khi học chương trình thứ 2, SV được công nhận kết quả của các học phần có nội dung, khối lượng học tập tương đương có trong chương trình thứ 1.

2. SV được đăng kí học chương trình thứ 2 sớm nhất khi đã được xếp trình độ năm thứ 2 của chương trình thứ 1.

3. Tại thời điểm đăng kí, SV phải đáp ứng thêm 01 trong 02 điều kiện sau:

- Học lực xếp loại khá trở lên và đáp ứng ngưỡng bảo đảm chất lượng (điểm sàn) của chương trình thứ 2 trong năm tuyển sinh;

- Học lực xếp loại trung bình và đáp ứng điều kiện trúng tuyển (điểm chuẩn) của chương trình thứ 2 trong năm tuyển sinh.

4. Trong quá trình SV học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình tích luỹ của chương trình thứ 1 đạt dưới điểm trung bình hoặc thuộc diện cảnh báo học tập thì phải dừng học chương trình thứ 2 ở HK tiếp theo.

5. Thời gian tối đa được phép học đối với SV học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ 1: 06 năm.

6. SV chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ 2, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ 1.

7. Hằng năm, tùy vào điều kiện đào tạo của từng ngành, Trường xét duyệt chỉ tiêu đào tạo chương trình thứ 2.

8. Trước mỗi HK, SV phải đăng kí học phần của chương trình thứ 1, tuy nhiên có thể đăng kí hoặc không đăng kí học phần của chương trình thứ 2.

9. SV học chương trình thứ 2 đăng kí học cùng với SV học chương trình thứ nhất, không phân biệt lớp TC.

VI. Các kênh thông tin và tư vấn dành cho sinh viên trong quá trình đào tạo

1. Các kênh thông tin

- Cổng thông tin điện tử của Trường: https://hnue.edu.vn/

- Trang thông tin đào tạo đại học: http://daotao.hnue.edu.vn/

- Nhóm Facebook của Phòng Đào tạo: https://www.facebook.com/groups/daotaohnue

- Website và các trang, nhóm Facebook của các Khoa.

2. Các kênh tư vấn tại Khoa

Mỗi sinh viên có 03 thầy/cô để hỏi thông tin, xin ý kiến tư vấn, bao gồm:

- Thầy/cô cố vấn học tập: Tư vấn về kế hoạch và phương pháp học tập, rèn luyện; đăng kí tín chỉ, đăng kí học chương trình thứ 2.

- Thầy/cô giáo vụ: Phụ trách công tác lập thời khóa biểu, lịch trình giảng dạy, lịch thi các môn chuyên ngành; lên điểm, quản lí điểm học tập và cung cấp thông tin về kết quả học tập của sinh viên. Tham gia xét tốt nghiệp và cảnh báo học tập.   

- Thầy/cô quản lí sinh viên: Phụ trách công tác quản lí hồ sơ sinh viên, lớp sinh hoạt; xét điểm rèn luyện, chế độ chính sách, học bổng; phối hợp làm thẻ bảo hiểm y tế, thẻ sinh viên – thẻ ngân hàng. Tham gia xét tốt nghiệp và cảnh báo học tập.